ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Thay đổi lớn trong đánh giá học sinh ở bậc tiểu học

(Dân trí) – Theo dự thảo quy định đánh giá học tiểu học mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị công bố để xin ý kiến đóng góp thì sẽ không cho điểm thường xuyên đối với bậc tiểu học mà thay vào đó là lời nhận xét của giáo viên. Khái niệm “lưu ban” đối với bậc tiểu học cũng dần được xóa bỏ.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Tinh thần của quy định này là giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học mà thay vào đó đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh (HS), coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan.

Đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học; Kết hợp đánh giá của giáo viên (GV), HS, phụ huynh HS, trong đó đánh giá giáo viên là quan trọng nhất; Đánh giá sự tiến bộ của HS, không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và phụ huynh HS.

Coi trọng đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh

Theo Bộ GD-ĐT, các năng lực của HS được hình thành và phát triển trong quá trình trải nghiệm, tham gia thường xuyên vào các hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể, vận dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày. Điều này được thể hiện qua việc tự phục vụ, tự quản; giao tiếp hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề.

 

Tăng cường nhận xét đánh giá về năng lực, phẩm chất học sinh hơn là 
Tăng cường nhận xét đánh giá về năng lực, phẩm chất học sinh hơn là điểm số đối với bậc tiểu học.

 

 

Các phẩm chất của HS được hình thành và phát triển trong quá trình trải nghiệm, tham gia thường xuyên vào các hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể, vận dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày; chia sẻ, hợp tác, giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô, người lớn. Điều này được thể hiện qua việc chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn bè, con người.

 

 

 

GV sẽ quan sát các biểu hiện trong hoạt động của học sinh hàng ngày, hàng tuần để nhận xét, nhận định sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, từ đó động viên, khích lệ, giúp HS khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng, điều chỉnh hoạt động để tiến bộ, ứng xử kịp thời để tiến bộ.

Hàng tháng GV tổng hợp nhận xét của mình, ý kiến trao đổi của phụ huynh (nếu có) để nhận xét, nhận định sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của từng HS, đặc biệt lưu ý những điểm hạn chế cần khắc phục của HS, ghi rõ nội dung, biểu hiện cụ thể để có giải pháp, giúp đỡ kịp thời HS đó.

Cả HS và phụ huynh tham gia đánh giá thường xuyên

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học tiết lộ thêm, lâu nay việc đánh giá thường xuyên HS được thông qua bằng điểm số nhưng ở quy định mới này được chuyển sang bằng nhận xét. Việc làm này sẽ giảm áp lực cho cả HS lẫn phụ huynh. Ngoài việc GV đánh giá thì quy định này cũng cho phép cả HS và phụ huynh cùng tham gia đánh giá.

Cụ thể, với GV thì căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu bài học, của mỗi hoạt động mà HS phải thực hiện trong bài học sẽ tiến hành thường xuyên quan sát, theo dõi, đối thoại, phỏng vấn, kiểm tra tiến trình thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm của HS, nhóm HS theo tiến trình bài học. Nhận định, nhận xét bằng lời nói trực tiếp với HS hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của HS về những nội dung đã làm hoặc chưa làm được đối với từng HS, nhóm HS; mức độ hiểu biết kiến thức; khả năng thực hiện các thao tác,…

Chỉ ra nguyên nhân và biện pháp cụ thể giúp HS vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình học tập đối với những HS có quá trình thực hiện chưa đúng, chưa đạt yêu cầu; Quan tâm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập trong bài học của HS, chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành.

“Quan điểm của chúng tôi, GV không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Khi nhận xét, GV cần đặc biệt lưu ý sự tiến bộ của từng HS để động viên, khích lệ giúp HS tự tin” – Vụ trưởng Phạm Ngọc Định bày tỏ.

Dưới góc độ HS thì các em tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục, báo cáo kết quả với GV; HS tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với phụ huynh thì sẽ được GV hướng dẫn quan sát HS học tập, hoạt động giáo dục hoặc cùng tham gia các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục với HS, quan sát việc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày của HS, đưa ra các nhận xét, nhận định, đánh giá HS bằng lời nói trực tiếp với GV hoặc ghi vào phiếu đánh giá hoặc sổ liên lạc, phối hợp với GV và nhà trường động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện.

Xóa bỏ xếp loại học lực, lưu ban ở bậc tiểu học

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT thì việc xếp loại HS tiểu học sẽ được xóa bỏ mà thay vào đó là đạt hoặc chưa đạt.

HS được coi là hoàn thành chương trình lớp học nếu đáp ứng được các yêu cầu: Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, đạt hoàn thành; Mức độ hình thành và phát triển một số năng lực đạt; Mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất đạt. Đánh giá định kì kết quả học tập cuối năm học các môn học theo quy định đạt điểm 5 trở lên.

Việc đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được thực hiện vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì. Đề kiểm tra định kì phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức độ nhận thức của HS.
Cụ thể, mức 1- HS nhận biết hoặc nhớ, nhắc lại đúng kiến thức đã học; diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kĩ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách riêng của mình và áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập.
Mức 2 – HS kết nối, sắp xếp lại các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết tình huống, vấn đề mới, tương tự tình huống, vấn đề đã học.
Mức 3 – HS vận dụng các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được dẫn hay đưa ra những phải hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.

Với HS chưa hoàn thành chương trình lớp học thì GV phải lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng HS; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Với những HS đã được GV trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các tiêu chuẩn quy định nêu trên thì tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp, đưa vào nội dung cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục, lập kế hoạch cụ thể động viên, giúp đỡ trong năm học tiếp theo.

Cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục

Để đảm bảo việc đánh giá HS là khách quan và trung thực, dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra quy định cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của GV; giúp GV sẽ nhận lớp trong năm học tiếp theo có đầy đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

Theo đó, vào cuối năm học hoặc đầu năm học mới, hiệu trưởng trường tiểu học chỉ đạo tổ chức cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục. GV chủ nhiệm các lớp 1, 2, 3, 4 tổ chức họp với GV sẽ nhận lớp vào năm học kế tiếp để bàn giao hồ sơ đánh giá từng HS; nhận xét, nhận định những nét nổi bật hoặc hạn chế cần khắc phục về mức độ nhận thức, đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, hoạt động giáo dục; mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của HS; ghi biên bản cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục. Đối với GV chủ nhiệm lớp 5 cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục, hồ sơ đánh giá của HS với hiệu trưởng.

Trưởng phòng GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục, sổ tổng hợp đánh giá và các bài kiểm tra định kì cuối năm lớp 5 của HS đã hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương.

Dự thảo này cũng nêu rõ, hiệu trưởng chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện đánh giá HS, chất lượng giáo dục HS; báo cáo kết quả thực hiện về phòng GD-ĐT.

Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá HS, chất lượng giáo dục HS trong lớp; bàn giao và cam kết chất lượng giáo dục HS; hoàn thành hồ sơ đánh giá HS theo quy định; thực hiện cam kết, bàn giao chất lượng giáo dục HS.

Khi được yêu cầu, thông báo đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của HS cho phụ huynh của HS đó. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp phụ huynh những điểm chưa tốt của từng HS.

 

Báo Dân trí điện tử

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 127677Tổng lượt truy cập:
  • 15Truy cập hôm nay:
  • 47Truy cập hôm qua:
  • 0Hiện đang truy cập: