Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh ĐH-CĐ năm nào cũng trở nên gay gắt, căng thẳng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT còn bất cập. Trong khi các nhà trường còn lúng túng trong công tác hướng nghiệp cho học sinh thì về phía phụ huynh, có tới 90% người xác định sẽ cho con đi thi ĐH ngay sau khi tốt nghiệp THPT mà không mấy đoái hoài tới trường nghề…
“Tắc” từ nhiều phía
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, mỗi năm có khoảng 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, nhưng chỉ một phần trong số đó có thể vào học trong các trường bổ túc văn hóa, một phần vào các trung tâm dạy nghề, một số vào TCCN, phần còn lại vào thị trường lao động nhưng chưa qua đào tạo nghề. Nếu tính cả số học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt ĐH – CĐ thì con số thanh niên chưa qua đào tạo nghề lên tới hàng trăm ngàn người mỗi năm. Hệ quả là một số lượng lớn thanh niên đến tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề cũng như học văn hóa đã tạo sự lãng phí lớn cho xã hội. Có thể thấy một thực tế diễn ra từ nhiều năm nay là hầu hết các luồng khác (học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp…) đều rơi vào “bế tắc” chỉ có luồng học lên ĐH, CĐ luôn luôn thông. Ngành Giáo dục thì vẫn đang loay hoay trong việc giải quyết được những trở ngại để “thông luồng”.
TS Hoàng Ngọc Vinh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận định: Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn kém hiệu quả do nguyên nhân quản lý, nguồn lực tài chính thiếu thốn, không có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo viên dạy hướng nghiệp chắp vá. Việc mở rộng quy mô giáo dục đại học chưa chú ý đến sự cân đối trình độ đào tạo đã ảnh hưởng không tốt đến công tác phân luồng. Không có sự công nhận giữa đào tạo chính quy và không chính quy, thêm vào với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân bất cập, thiếu tính tiêu chuẩn chung của khung trình độ, tiêu chuẩn đào tạo không thống nhất đã làm tăng thêm sự ách tắc ở nút “thắt cổ chai” sau THCS.
Hầu hết phụ huynh học sinh và bản thân học sinh chỉ nhắm tới đích trường đại học khi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh tâm lý “chọn việc nhẹ nhàng” của xã hội thì cũng phải thừa nhận một nghịch lý đang tồn tại là bản thân các đơn vị đào tạo nghề cũng không đủ điều kiện thu hút học sinh. Theo thống kê của Viện Khoa học giáo dục VN, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp ở địa bàn quận, huyện quá tải vì số lượng học sinh học nghề theo thời vụ quá đông. Cả nước có 300 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, có khả năng đáp ứng 80 vạn học sinh học nghề, trong khi số lượng học sinh cần học nghề hằng năm là 1,6 triệu em. Đội ngũ giáo viên hướng nghiệp và dạy nghề cũng đang thiếu về số lượng, yếu kém về chất lượng vì không được đào tạo chính quy.
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn yếu; quy mô, điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu; khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên ĐH, CĐ… Cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học cũng ảnh hưởng đến phân luồng với sự mở rộng quá nhanh các trường THPT… Gần đây nhiều trường CĐ mới thành lập từ các trường TCCN và việc tuyển sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ TCCN giảm do còn phải đào tạo các hệ tuyển khác. Trong khi đó, các trường CĐ cộng đồng mới thành lập chưa đủ mạnh để nhân rộng mô hình có nhiều điểm ưu việt, vừa dạy chữ, vừa dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ và thực hiện rất tốt phân luồng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc phân luồng hiện nay là thách thức rất lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cân đối nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế khác nhau. Việc thiếu chính sách khuyến khích đối với học sinh, các trường tuyển hệ tốt nghiệp THCS… cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác phân luồng.
Thực tế “sính bằng cấp”, thích làm thầy không chọn làm thợ đã được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều tra và đưa ra con số khá ấn tượng: Chỉ có 8,1% học sinh dự định thi vào các trường TCCN hoặc trường dạy nghề, 6,6% dự định sẽ tìm việc làm ngay, số còn lại đến 85,2% muốn thi vào ĐH, thậm chí có tới 56,15% sẵn sàng chờ năm sau thi lại ĐH nếu thi trượt. Có 16,05% – 28,65% học sinh THPT có những thiếu hụt đáng kể về định hướng nghề nghiệp.
Theo thống kê từ các địa phương gửi về Bộ GD&ĐT, trong 2 năm học 2010 – 2011, 2011 – 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm trên 70%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS tham gia bổ túc THPT chiếm khoảng trên 8%. Chỉ có 1,8% tốt nghiệp THCS vào học TCCN (năm 2010 – 2011) và 2% (năm 2011 – 2012).
Tạo lập con đường dẫn tới đích
Phân tích và đưa ra các giải pháp nhằm vực dậy công tác tổ chức hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục nêu thực trạng: Hiện nay, học sinh THPT thực sự đói thông tin và không được tư vấn đầy đủ. Ở nhiều nơi, hoạt động giáo dục hướng nghiệp “chết” ngay tại trường THPT. Đã vậy giáo dục hướng nghiệp nếu có lại chủ yếu dẫn dắt con em đến các việc làm công ăn lương mà ít để ý đến tạo lập tinh thần kinh doanh/tự chủ. Theo TS Phương, giáo dục hướng nghiệp phải được triển khai ít nhất từ lớp 6, không có lý gì đến lớp 9 mới làm như hiện nay trong khi cuộc chạy đua cho tương lai con em được bắt đầu từ lớp 1.
“Học sinh phổ thông phải sớm được làm quen với thế giới việc làm và biết đánh giá đúng năng lực, thiên hướng thực của mình. Để làm được việc này nhất thiết phải có các công cụ được thiết kế khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, TS Phương đề nghị.
Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có định hướng của cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và chính quyền địa phương. Phân luồng học sinh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn hạn chế, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư phát triển dạy nghề và TCCN. Ngoài ra cần tái cơ cấu hệ thống giáo dục để tạo điều kiện phân luồng và học tập suốt đời của người dân theo hướng hình thành các trường trung học nghề, trung học kỹ thuật và mở rộng mô hình các trường CĐ cộng đồng từ các trường TCCN địa phương…
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, phân luồng học sinh sau THCS là một trong những nội dung quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chính sách thực hiện phân luồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù có chính sách gì chăng nữa, nhưng nếu không làm thay đổi được nhận thức của cha mẹ học sinh và người học, cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động thì rất khó để thành công. Do đó đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục và của toàn xã hội. Nếu chỉ riêng ngành giáo dục thì sẽ rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Vân Anh
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 53 + 54 (tháng 5+6/2014