ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Ông đồ rởm bị “đình chỉ” hành nghề

(Dân trí) – “Ông nghè giấy” có trước thời cụ Nguyễn Khuyến với “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai… ”, đến sau này, là “tiến sĩ giấy” với bằng cấp đầy mình nhưng công trình xếp vào ngăn kéo. Và giờ đây, là cảnh “ông đồ rởm” đang tràn lan chốn miếu đường Văn Miếu…

 

Ông đồ rởm bị “đình chỉ” hành nghề

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có một cuộc thi sát hạch thầy đồ, thật lạ, thật vui. Những ông đồ đạt chuẩn sẽ được  phép cho chữ tại văn Miếu Quốc Tử Giám trong Hội chữ Xuân sắp tới.

Lạ và vui hơn, đó là có nhiều ông đồ không biết chữ. Đúng là chuyện xưa nay hiếm.

Kể cũng lạ, không biết chữ Hán mà cả gan vào Văn Miếu ngồi cho chữ lấy tiền. Các ông đồ rởm không sợ trong trong thiên hạ có nhiều người hay chữ, sẽ phát hiện ra thiếu sót của họ.

Dân mình lâu nay đi Hội chữ Xuân, thấy mấy ông đồ mặc áo the, cầm cọ múa may, viết chữ như rồng bay phượng múa thì rất ngưỡng mộ.

Chuyên gia Hán Nôm, TS Phạm Văn Ánh – thành viên Ban giám khảo đưa ra thông tin gây sốc cho những người yêu thư pháp chữ Hán: “Sau khi chấm sát hạch, kết quả cho thấy, 70% ông đồ viết sai. Thậm chí có người viết sai đến 3 chữ. Viết không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. nguy hiểm hơn, có người còn chưa biết cách cầm bút”.

Hóa ra bao năm nay, người dân đi Hội chữ Xuân, xin chữ, hay nói đúng hơn là mua chữ, gặp phải ông đồ rởm không ít. Họ viết lui viết tới mấy chữ dễ như “tâm”, “nhẫn”, “phúc”, “đức” rồi bán. Vốn chữ có chừng đó, nếu khách hàng đòi chữ lạ hơn thì bó tay.

Qua cuộc sát hạch mới lộ ra, ngay cả mấy chữ quen thuộc đó họ cũng không viết đúng theo trình tự viết chữ Hán như trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau, trái trước phải sau, ngang trước dọc sau. Không biết những quy cách cơ bản đó và không biết cách cầm cọ đúng thì không thể là ông đồ thứ thiệt. Chưa nói đến chuyện viết đẹp hay xấu.

Vì không biết chữ Hán, nên ông đồ rởm viết sai. Khách hàng đa số không biết chữ Hán nên cứ vô tư mang về treo. Xét về mặt đạo đức, ông đồ đã bán hàng rởm, hàng kém chất lượng. Như tiến sĩ Ánh phân tích: “Về bản chất, các ông đồ tham gia thi là những người bán chữ. Vì vậy, nhất thiết phải sát hạch để xem họ có biết viết và biết nhiều chữ hay không. Tránh tình trạng để người dân mua phải hàng rởm”.

Du xuân xin chữ là một nét văn hóa rất Việt Nam. Hội chữ Xuân tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là một hoạt động văn hóa truyền thống cần gìn giữ và phát huy. Muốn phát triển thì cần nâng cao chất lượng, muốn văn hóa thì không thể bịp bợm, bừa bãi.

Cuộc sát hạch để chọn ông đồ vừa qua là cần thiết, ít ra là loại được các ông đồ rởm, bán chữ linh tinh kiếm tiền, làm mất đi vẻ đẹp của một hoạt động văn hóa ngày Tết. Nhưng để Hội chữ Xuân có chất lượng hơn, tranh chữ có giá trị, Ban tổ chức cần mời những nhà thư pháp tên tuổi, có trình độ Hán Nôm và là họa sĩ thư pháp thực thụ tham gia, biểu diễn, cho chữ. Sự xuất hiện của các nhà thư pháp này sẽ làm cho lễ hội long trọng và thu hút đông đảo người yêu thư pháp đến tham dự.

Xã hội nhiều thứ giả quá, cho nên cũng không ngạc nhiên khi có ông đồ giả. Vấn đề là cố gắng để ngày càng bớt đi những thứ giả đối cho cuộc sống đẹp hơn, lương thiện hơn.

Thi hương, thi hội là tìm những người tài giúp dân, giúp nước. Giáo sư, tiến sĩ là tôn vinh những nhà khoa học và khẳng định vị thế trí tuệ. Xin chữ ông đồ là để bày tỏ chí hướng và cũng là tìm lại hình bóng hiếu học thủa xưa

Ông trạng, ông nghè đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Giáo sư, tiến sĩ thì bằng giả, học giả  tràn lan còn “ông đồ dởm” đang tàn phá nốt những dư âm đẹp đẽ còn sót lại.

Buồn thay!

Lê Chân Nhân

 

Theo báo Dân trí điện tử

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 124998Tổng lượt truy cập:
  • 30Truy cập hôm nay:
  • 72Truy cập hôm qua:
  • 1Hiện đang truy cập: