Đạo nghĩa thầy trò từ xưa tới nay đều mang giá trị thiêng liêng, trong sáng và giàu tính nhân văn. Nhớ lời dạy của tiền nhân “Thi ân mạc niệm, thụ ân mạc vong” để dù ở thời kỳ nào, môi trường nào, đạo nghĩa thầy trò cũng vẹn nguyên những nét đẹp vốn có.
Thầy quý trò, trò kính thầy
Nhà hiền triết cổ Hy Lạp Aristoste có lời bàn: “Quan hệ thầy trò phải là quan hệ tình bạn đạo đức”.
Khổng Tử – nhà hiền triết của phương Đông cổ đại có lời bàn: “Đương nhân bất nhượng ư sư” (Làm điều nhân không nhường thầy).
Tiếp thu lời dạy của tiền nhân đặt vào hoàn cảnh của chế độ mới, Bác Hồ có lời dạy: “Trong trường cần có dân chủ … Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải là cá đối bằng đầu”.
Bác luôn luôn khuyên thầy trò thực hiện sư phạm cộng tác:
“Thầy siêng dạy, Trò siêng học
Thầy dạy tốt, Trò học tốt”
Thi ân mạc niệm, Thụ ân mạc vong
Thày Vũ Xuân Ba, nhà giáo lão thành của trường Đại học Sư phạm Hà Nội kể lại: một lần đoàn ông đi công tác qua nước Pháp, được giáo sư Hoàng Xuân Hãn giúp đỡ tận tình. Khi chia tay, thay mặt cho đoàn, thày Vũ Xuân Ba nói lời cảm tạ giáo sư Hãn: Thưa thầy chúng em không bao giờ quên được sự giúp đỡ quý báu, tấm lòng hào hiệp của thầy. Chúng em ghi nhớ câu: “Thụ ân mạc vong” (Chịu ơn ai không quên).
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nở nụ cười đôn hậu trả lời: Cảm ơn các anh chị đã nói câu “Thụ ân mạc vong” còn chúng tôi luôn luôn hành xử: “Thi ân mạc niệm” (Làm ơn cho ai không nhớ).
“Không thầy đố mày làm nên” & “Không mày đố thầy dạy ai”
Nho gia phương Đông có lời dạy:
“Nhân hữu tam ân tình, khả sự như nhất.
Phi phụ bất sinh
Phi sư bất thành
Phi quân bất vinh”.
(Con người ta có 3 ân tình phải coi trọng như nhau
Không có Cha làm sao ta sinh ra được,
Không có Thầy làm sao ta thành đạt được
Không có Minh quân -Vua sáng, Thủ trưởng tốt làm sao ta hiển vinh được).
Thông điệp này đi vào nước ta được Việt Nam hóa thành lời khuyên:
“Không thầy, đố mày làm nên”.
Nội dung thông điệp khuyên người học biết công ơn thày
Tuy nhiên ngày nay không phải chỉ có 5% dân cư đi học. Đất nước đã kiến tạo được nền giáo dục phổ cập để 100%thế hệ trẻ đến trường.
Ở hoàn cảnh này xuất hiện thêm thông điệp:
“Không mày, đố thầy dạy ai”.
Thông điệp này không có ý xấc xược mà là sự khuyến cáo đến người thầy thấy rõ trách nhiệm lao động của mình.
Hai thông điệp kết hợp với nhau tạo nên cặp phạm trù biểu thị Văn hóa dạy học mới.
“Sư hinh – Người thày cao quý”
Bác Hồ từng yêu cầu mỗi giáo viên phải là “Sư hinh – Người thầy cao quý”
Người thầy dù ở nhà trường nào cũng có ba nhiệm vụ:
* Người truyền đạo cho trò.
* Người thụ nghiệp cho trò
* Người giải hoặc cho trò
(Đem đến cho trò một hệ thống giá trị sống cao quý, góp phần cùng đồng nghiệp ở mọi bậc học tạo dựng cho trò sức lao động kỹ thuật để họ có nghề nghiệp thích ứng với cuộc sống, và hóa giải mọi sự nghi hoặc để học trò hành động theo chân thiện mỹ).
Người thầy là sư hinh khi bao quát và thực hiện ba nhiệm vụ trên một cách đồng bộ.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Trong những ngày kháng chiến chống Pháp của thế kỷ trước tại một số nhà trường vùng du kích đồng bằng Sông Hồng đã diễn ra cảnh tượng hào hùng:
“Có những mái trường xưa
Vừa chống càn vừa học
Giặc lui trong phút chốc
Thầy trò lại ngâm thơ”
Những năm 60 của thế kỷ 20 cũng ở nơi đây từ trường cấp II Bắc Lý tinh thần của NHÀ TRƯỜNG THÂN THIỆN đã bừng nở khi đội ngũ giáo viên có minh triết hành động: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Chắc chắn rằng trong cuộc Đổi mới giáo dục hôm nay, minh triết nhân văn trên sẽ tiếp tục tỏa sáng ở mỗi người thầy và toàn thể đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này đang lặng lẽ đi trên con đường lao động nhọc nhằn của mình với các hưởng thụ khiêm tốn, nhưng họ có niềm vui bao la vì nghề của họ là nghề sáng tạo nhất.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 46+47 (tháng 11/2013)