ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Người Nhật và triết lý giáo dục không trường chuyên lớp chọn

Đối với người Nhật, tính cách và đạo đức học sinh quan trọng hơn khả năng học tập rất nhiều…

 

Người Nhật và triết lý giáo dục không trường chuyên lớp chọn

Các giờ học ở trường tiểu học thường rất sôi nổi với sự tham gia chủ yếu của học sinh, giáo viên chỉ giữ vai trò hướng dẫn – Ảnh: Japan Times.

Báo cáo World Top 20 xếp hạng các nền giáo dục thế giới công bố năm 2013 cho thấy, hệ thống giáo dục Nhật đứng đầu thế giới với tất cả các cấp học.

Cũng trong năm đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố một kết quả khảo sát cho thấy học sinh Nhật đứng đầu thế giới về toán và kiến thức tổng quát.

Còn theo khảo sát về kỹ năng giải quyết vấn đề do PISA thực hiện và công bố năm 2014, học sinh Nhật nằm trong nhóm nước có học sinh nắm kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất.

Coi trọng ngoại khóa, thể chất

Đặc trưng của hệ thống giáo dục Nhật Bản là sự thống nhất trên toàn quốc, kết hợp toàn diện giữa việc đào tạo đầy đủ các môn kiến thức, kết hợp với thể chất và đặc biệt quan trọng về trau dồi đạo đức.

Đối với người Nhật, đứa trẻ nào cũng sẽ học được. Yếu tố quyết định thành công trong cuộc đời không phải điểm số mà nằm ở tính cách. Người Nhật coi trọng nhất sự nỗ lực, tính kiên trì, kỷ luật, sau đó mới đến khả năng học tập.

Chính vì thế trong khoảng thời gian từ lớp 1 cho đến hết lớp 9, người Nhật không phân lớp dựa trên trình độ, hay nói cách khác, không có sự phân biệt theo kiểu học sinh giỏi – học sinh kém.

Với mục tiêu mang giáo dục đến cho mọi đối tượng trong xã hội, tại Nhật, học sinh được miễn học phí từ lớp 1 cho đến hết lớp 9. Năm học mới của học sinh bắt đầu vào ngày 1/4 năm nay và kết thúc vào ngày 31/3 năm kế tiếp. Mỗi năm có 3 kỳ học, giữa mỗi kỳ học sinh đều được nghỉ.

Người Nhật chú trọng nhiều đến các hoạt động, thể thao và ngoại khóa. Theo quy định, mỗi năm học sẽ kéo dài 210 ngày, thế nhưng trên thực tế, số ngày học chính khóa của học sinh Nhật chỉ khoảng 195 ngày.

Các trường ở Nhật sẽ được quyền quyết định kéo dài năm học thêm 30 ngày so với quy định, nhưng 30 ngày đó được dành cho các kỳ dã ngoại, cuộc thi đấu thể thao, tổ chức lễ hội…, tất cả các hoạt động khuyến khích học sinh hòa đồng và hợp tác trong tập thể.

Bộ Giáo dục Nhật Bản chịu trách nhiệm về việc soạn thảo nội dung cũng như in ấn, phát hành sách giáo khoa. Học sinh ở tất cả các cấp học, dù là trường công hay trường tư, đều được miễn phí sách giáo khoa. Cứ 3 năm một lần, Bộ sẽ rà soát và điều chỉnh nội dung sách giáo khoa.

Kích cỡ, trọng lượng sách giáo khoa được tính toán để phù hợp với thể trạng của học sinh. Bộ Giáo dục Nhật Bản đồng thời nghiên cứu và thiết kế ra loại cặp sách với trọng lượng, độ cứng, thiết kế để chống gù lưng cho học sinh và tất cả các loại cặp được bày bán trên thị trường, dù do các công ty khác nhau sản xuất, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định này mới được bán ra thị trường.

Phần lớn tất cả các trường đều có bộ phận riêng chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tất cả các thiết bị thể thao đều được kiểm tra lại hàng năm để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Gần như tất cả các trường trung học cơ sở đều có sân chơi ngoài trời; khoảng 90% trường có nhà thể chất phục vụ cho các môn thể thao trong nhà và khoảng 75% các trường có bể bơi ngoài trời.

Giáo dục tiểu học ở Nhật kéo dài 6 năm và được coi như nền tảng rất quan trọng cho các cấp học sau. Quy mô lớp học tiểu học ở Nhật khá nhỏ, khoảng 30 học sinh.

Thông thường nếu chia trung bình mỗi giáo viên sẽ chịu trách nhiệm dậy dỗ khoảng 17 học sinh. Một giáo viên thường dậy tất cả các môn, trừ các môn nhạc, họa, thể chất do giáo viên chuyên biệt dạy.

Người Nhật cho rằng học sinh phải đi học đúng tuổi, chính vì vậy học sinh sẽ không được học vượt lớp cũng như nếu học kém sẽ không phải học lại lớp. Những học sinh nào vì lý do sức khỏe hay gia đình mà phải nghỉ học trong khoảng thời gian dài sẽ được phép quay lại lớp với đúng tuổi của mình chứ không phải học bù lại chương trình cũ.

Như đã đề cập ở trên, tất cả sách, giáo trình ở bậc tiểu học được cung cấp miễn phí cho học sinh.

Giáo dục toàn diện

Thiết kế và diện tích của trường học được Bộ Giáo dục Nhật tính toán và áp dụng chặt chẽ trên toàn nước Nhật. Với số lượng khoảng 40 học sinh, tòa nhà lớp học phải có diện tích tối thiểu 500 mét vuông.

Với sân trường phục vụ cho từ 1 đến 240 học sinh, diện tích tổi thiếu sẽ phải là 2.400 mét vuông. Tất cả các trường buộc phải có nhà rèn luyện thể chất cho học sinh. Ngoài ra, dù trong luật không quy định nhưng phần lớn các trường tiểu học đều có bể bơi.

Thông thường, học sinh tiểu học ở Nhật sẽ phải học những môn như sau: Tiếng Nhật, Khoa học Xã hội, Đại số, Khoa học, Môi trường sống, Âm nhạc, Hội họa, Kinh tế (từ lớp 5 trở lên), Giáo dục Thể chất, Giáo dục Đạo đức, Ngoại ngữ.

Quan điểm giáo dục toàn diện của người Nhật cũng thể hiện ngay chính trong chương trình học này.

Ví dụ, một học sinh lớp 3 của Nhật mỗi năm sẽ phải học 60 giờ Âm nhạc, 60 giờ Hội họa, 105 giờ Giáo dục Thể chất, 35 giờ học Đạo đức, 35 giờ cho các hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

Tổng số thời gian học các môn học này còn cao hơn 30 tiếng so với thời gian học Đại số và Khoa học.

Đối với các môn như Môi trường sống, học sinh luôn có những chuyến thực tế đến công viên, vườn thú, bảo tàng hoặc các khu sinh quyển để tìm hiểu về thiên nhiên, động vật.

Theo chia sẻ của nhiều người Nhật, họ luôn phải làm các bài kiểm tra nhưng không phải tham gia các kỳ thi cuối kỳ hay chạy đua vào trường chuyên gắt gao. Không có sự phân biệt và xếp hạng học sinh giỏi, kém.

Các lớp học luôn lấy học sinh làm trung tâm, học sinh tự trao đổi, học lẫn nhau, giáo viên là người theo dõi quá trình học và đưa ra ý kiến để cùng trao đổi với học sinh.

Đối với người Nhật, việc học giỏi hay học kém không quan trọng bằng tính cách và định hướng. Giáo viên có thể chấp nhận học sinh kém toán, chữ xấu, nhưng sẽ không muốn học sinh không thể trả lời được câu hỏi: em muốn làm gì trong tương lai?

Nếu một học sinh có những vấn đề đặc biệt về tâm sinh lý, trường sẽ xin ý kiến của phụ huynh để giúp em học sinh đó có chương trình học đặc biệt.

Nếu em học sinh có sở thích và thể hiện được năng khiếu với môn học nào đó như Nhạc, Họa hay một môn thể thao, trường sẽ hỗ trợ tối đa để em đó có thể theo học các trường năng khiếu.

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 128839Tổng lượt truy cập:
  • 42Truy cập hôm nay:
  • 77Truy cập hôm qua:
  • 2Hiện đang truy cập: