Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề năng suất lao động có liên quan đến cơ cấu, ngành nghề lao động, nhưng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cần xem xét những lĩnh vực nào thuộc trách nhiệm của mình để xử lý.
Ngày 28/10, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: LHQ |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc phát triển nguồn nhân lực lao động chất lượng cao có ý nghĩa quan trọng. Trong đó để công tác dạy nghề có bước chuyển thực sự về chất, ngành phải đặt kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, đồng thời nhìn thẳng vào các bất cập để trả lời những câu hỏi: Tại sao người học nghề ít; Có cần thiết rải đều trung tâm dạy nghề ở các tỉnh hay không?
“Thành lập một cơ sở dạy nghề mất 10 ha đất, đầu tư 500 tỷ đồng kèm theo đội ngũ giáo viên mấy trăm người. Liệu chúng ta có dám dũng cảm chuyển đổi, cho doanh nghiệp, tư nhân thuê để hoạt động, vừa giảm bớt chi thường xuyên, vừa huy động được nguồn lực đầu tư từ xã hội vào hoạt động dạy nghề. Từ đó, đổi mới hoạt động của các trung tâm dạy nghề theo hướng tự chủ, hoạt động như doanh nghiệp”, Phó thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, đến ngày 30/9 cả nước có 1.421 cơ sở dạy nghề, tuyển sinh học nghề được 623.000 người.
Một nghiên của Tổ chức Lao động quốc tế tính toán năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan – hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.
Một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là chất lượng nguồn lao động của Việt Nam thấp. Chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và những kỹ năng được trang bị thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường.
Phương Trang