Việt Nam có 24.300 tiến sĩ, nhiều hơn rất nhiều nước, nhưng không có nhiều phát minh, sáng tạo nào vào sản xuất đời sống. Việt Nam xuất khẩu nông sản nhưng con ốc vít cũng phải nhập nếu muốn sử dụng cho máy móc hiện đại. Xin đưa hai ví dụ sau
Xuất khẩu vài tạ gạo mới nhập được một cái điện thoại Iphone .
Xuất khẩu bao nhiêu nông sản sang Trung Quốc mới nhập về được một chiếc máy? Điều này quá rõ, khi Trung Quốc vừa công bố, Việt Nam phải nhập siêu tới 43,8 tỉ USD từ Trung Quốc năm 2014, tăng thêm 20 tỉ USD so với số liệu chính thức của Việt Nam.
Vì sao người Việt Nam không có nhiều sản phẩm sáng tạo, có phải vì người Việt không thông minh bằng người Hàn Quốc, Nhật Bản? Chưa có câu trả lời về điều này, nhưng có câu trả lời chắc chắn là người Việt không được khuyến khích sáng tạo ngay từ trong giáo dục. Chúng ta đã và đang vận hành một nền giáo dục nặng tính áp đặt. Áp đặt từ chương trình giáo khoa cho đến cách giảng dạy của giáo viên.
Đa số giáo viên lên lớp chỉ nói điều mình nghĩ, điều mình biết và cho đó là đúng, bắt buộc học sinh phải học theo, nhận thức theo, làm theo. Học sinh, sinh viên nào nghĩ khác tức là sai, thậm chí chống lại thầy. Có không ít trường hợp học sinh, sinh viên phản biện lại quan điểm hay chỉ ra sự chưa chuẩn xác về kiến thức của thầy giáo, ngay lập tức bị trù dập, bị ghét bỏ.
Ở các nền giáo dục tiên tiến, giáo viên khuyến khích học sinh phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tôn trọng những ý kiến, đề xuất, hay nói đúng nhất là “cách nghĩ khác”, phải “phá hủy sáng tạo”. Nếu như không phá hủy sáng tạo thì sẽ không có sáng tạo mới.
Người thầy truyền đạt kiến thức, nhưng cần hiểu rằng vai trò chính là gợi mở, để học trò tự tìm tòi, suy nghĩ độc lập, đừng bắt học trò suy nghĩ theo mình, đừng “độc quyền chân lý”. Người thầy không phải có nhiệm vụ nhồi nhét kiến thức cho đầy bụng học sinh để biến đầu óc đó thành con vẹt nhai đi nhai lại những điều đã cũ, mà khơi gợi trí tuệ để bùng nổ sáng tạo. Nói như nhà văn Nhật bản Kakura: “Con người là ngọn đèn được thắp sáng, chứ không phải là những cái bình nước cần được đổ đầy”.
Thực tế cho thấy, không ít giáo sư, tiến sĩ bụng đầy chữ nghĩa, thuộc làu kinh sách, nhưng chỉ giỏi tầm chương trích cú, không tạo ra được giá trị mới. Bởi vì, những vị đó được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục “đổ đầy”, không phải “thắp sáng”.
Tại sao lại không cho phép người nghĩ khác mình, nói khác mình, thậm chí phản biện lại mình? Tại sao lại không tôn trọng và khuyến khích sự độc lập tư duy của thế hệ trẻ?
Xin nhắc lại câu chuyện mới xảy ra cuối tháng 6 vừa qua, cậu bé Osman Yahya 11 tuổi, với tư cách dẫn chương trình truyền hình “Hỏi và Đáp” giữa Tổng thống Mỹ Obama và các học sinh trung học đã một lần ngắt lời tổng thống vì cho rằng ông Obama trả lời dài dòng, một lần không cho tổng thống trả lời câu hỏi vì tin rằng ông Obama đã trả lời đủ rồi.
Chỉ có nền giáo dục “thắp sáng” mới đẻ ra ông tổng thống và cậu bé này.
Lê Chân Nhân