Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, tiến sĩ… cũng thuộc diện tinh giản nếu không làm được việc.
Trao đổi với báo chí ngày 11/11, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lê Văn Làm cho biết, cơ sở pháp lý cho đợt tinh giản biên chế lần này là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức và theo Nghị định 108 của Chính phủ mới ban hành, quy định rõ nhân sự diện tinh giản.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2021 thành phố sẽ tinh giản 10% trong số gần 140.000 biên chế (gần 14.000 người), chia đều ra từng năm. Đầu tiên, thành phố tuyên truyền cho cán bộ công chức nắm được nguyên tắc đánh giá tiêu chí cán bộ công chức; rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy xem có trùng lắp không để tổ chức lại cho phù hợp, bước này từng địa phương, sở ngành sẽ thực hiện.
“Về chủ trương chung, việc tinh giản biên chế của TP HCM nhằm đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không phù hợp với vị trí việc làm, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác”, ông Làm cho hay.
Ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM. Ảnh: T.S |
Theo Phó giám đốc Sở Nội, đối với khối đơn vị sự nghiệp, hiện Nhà nước không khuyến khích thành lập đơn vị mới (ngoại trừ nhu cầu bức thiết phải thành lập), chỉ ưu tiên cho giáo dục và y tế theo yêu cầu xây dựng thêm trường học và bệnh viện.
Riêng đội ngũ cán bộ công chức sẽ được kiểm tra lại trình độ chuyên môn, xây dựng lại vị trí việc làm để trình Bộ Nội vụ xem xét. Thành phố sẽ có khung biên chế theo tiêu chí tinh giản là người có 2 năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ, trình độ đào tạo không phù hợp, rà soát liệu có trùng lắp bộ máy cơ quan nhà nước hay không (như cấp nước, thoát nước, chống ngập).
“Đối tượng cần tinh giản là công bằng, không có ngoại lệ. Kể cả chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, phó trưởng phòng trở lên… Thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ mà không làm được việc”, ông Làm nói.
Về động thái rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, một số dự án giống nhau sẽ được tổ chức lại thành đơn vị đầu mối. Thời gian qua, việc sử dụng người cũng chưa đúng trình độ nên cần sắp xếp, lựa chọn người có năng lực; người không đạt sẽ được đào tạo lại, bố trí, giới thiệu công việc khác.
“Áp lực giải quyết cho một người nghỉ việc vô cùng lớn. Muốn cho người ta nghỉ phải có đầy đủ sai phạm, chứ không phải thích cho nghỉ là được. Hy vọng qua đợt tinh giản này, đến cuối năm 2021 bộ máy Nhà nước sẽ tinh gọn hơn, năng lực bộ máy cán bộ công chức sẽ tốt hơn”, ông Làm nói.
Trả lời câu hỏi “việc tinh giản biên chế có gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị?”, ông Làm cho rằng thành phố đã có cách tính toán cụ thể khi thực hiện. Đề án thực hiện trong 6 năm, đã có tuyên truyền nên các cơ quan sẽ không bất ngờ, bị động.
“Là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố thực hiện đề án, trước mắt chúng tôi sẽ tự rà soát, xây dựng kế hoạch tinh giản ngay trong năm 2016. Sở Nội vụ sẽ làm mẫu trước, giảm 4 người ở bộ phận văn phòng. Việc này đội ngũ cán bộ chúng tôi tự đánh giá, tự chọn để đảm bảo công bằng, không ép ai”, ông Làm chia sẻ.
Cũng theo ông Làm, cơ quan Nhà nước phải chọn những người đủ tiêu chuẩn, đủ đức đủ tài. “Vừa qua Sở Nội vụ tuyển một vị trí văn thư nhưng có đến 6 người đăng ý thi vào, trong đó có hai người trình độ thạc sĩ. Việc tuyển dụng này là hoàn toàn công bằng chứ không có chuyện con anh con chị xin vào được”, ông Làm nói.
Về số tiền ngân sách bỏ ra để chi trả cho người bị tinh giản biên chế, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho rằng “không thể ước lượng được vì nhiều đối tượng khác nhau”. “Như bản thân tôi, 39 năm công tác, nếu nghỉ sẽ có ít nhất 200 triệu đồng. Nhìn chung chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế vừa ưu đãi, vừa tạo điều kiện cho họ có điều kiện đào tạo lại, giới thiệu việc làm mới”, ông Làm chia sẻ.
Trung Sơn
Tags: bếp từ, bếp điện, bếp gas, hút mùi, lò vi sóng, lò nướng, máy giặt, máy rửa bát, tủ lạnh, tủ rượu