Những bố mẹ sẵn sàng cho con làm việc nhà từ nhỏ là đang dạy con trở thành một nhân viên có trách nhiệm sau này.
Không phải tự dưng mà trẻ nên người. Các nhà tâm lý phát hiện ra phần nhiều trẻ thành đạt có sự đóng góp của cha mẹ. Và đây là điểm chung của các bậc cha mẹ đó.
1. Họ cho trẻ làm việc nhà
“Nếu lũ trẻ không rửa bát, thì có nghĩa là ai đó đang làm việc này hộ chúng. Khi đó, trẻ không chỉ được miễn trừ khỏi công việc, mà chúng cũng không học được rằng có việc là phải làm, và rằng mỗi người phải góp sức mình vào sự thành công của tổng thể”, Julie Lythcott-Haims, chuyên gia từ Đại học Standford và là tác giả cuốn “How to Raise an Adult“, nhận định.
Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ lớn lên cùng với làm việc nhà sẽ trở thành những nhân viên biết hợp tác sau này với đồng nghiệp, và biết thông cảm hơn, bởi chúng nhận ra khó khăn thực sự đằng sau mặt ngoài vấn đề.
“Bằng việc cho trẻ làm việc nhà – đổ rác, tự gập đồ… – trẻ nhận ra rằng mình sẽ phải làm việc như là một phần của cuộc sống”, bà nói.
Ảnh: time.com. |
2. Họ dạy con kỹ năng xã hội
Những kỹ năng từ khi trẻ còn ở tuổi mẫu giáo như giúp đỡ người khác, chia sẻ, đồng cảm, tự giải quyết vấn đề… giúp trẻ thành công khi trưởng thành. Đây là kết quả một nghiên cứu kéo dài 20 năm của các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke, theo dõi hơn 700 trẻ từ tuổi nhà trẻ đến tuổi 25.
Những người thiếu các kỹ năng xã hội trên cũng có tỷ lệ cao hơn bị bắt, chìm trong nghiện ngập, phải sống nhờ trợ cấp…
“Nghiên cứu này cho thấy giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng tình cảm là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho một tương lai mạnh mẽ của trẻ”, Kristin Schubert, giám đốc chương trình của quỹ Robert Wood Johnson – quỹ tài trợ cho nghiên cứu trên, cho biết.
“Từ rất sớm, các kỹ năng này có thể quyết định một đứa trẻ có thể vào đại học hay đi tù, rằng chúng sẽ được tuyển dụng hay trở nên nghiện ngập”.
3. Họ đặt kỳ vọng cao
Sử dụng dữ liệu từ một cuộc khảo sát quốc gia trên 6.600 đứa trẻ sinh năm 2001, giáo sư Neal Halfon và cộng sự từ Đại học Los Angeles (bang California) đã phát hiện rằng những kỳ vọng mà cha mẹ đặt lên trẻ có ảnh hưởng lớn đến sự trau dồi kiến thức của chúng.
“Những ông bố bà mẹ đặt tương lai của con là ở trường đại học dường như đã cố gắng để hướng trẻ đến mục tiêu đó, bất kể thu nhập của họ ra sao”.
Thực tế chứng minh điều đó: 57% các trẻ làm bài kiểm tra kém nhất có cha mẹ kỳ vọng con học đại học, trong khi 96% số trẻ làm bài tốt nhất có cha mẹ kỳ vọng con đỗ đại học.
Nói cách khác, trẻ sống theo kỳ vọng của cha mẹ chúng.
4. Vợ chồng hòa thuận
Trẻ sống trong các gia đình thường xuyên cãi vã, đánh đập, thì dù gia đình đó vẫn còn hay đã ly hôn, vẫn có xu hướng làm ăn kém đi so với trẻ có cha mẹ hòa thuận.
5. Họ có bằng cấp cao
Nghiên cứu năm 2014 của Đại học Michigan tìm thấy các bà mẹ từng tốt nghiệp trung học hoặc đại học có xu hướng nuôi dạy con cũng có kết quả học tập giống mình.
“Trình độ học vấn của cha mẹ lúc con 8 tuổi có giá trị chỉ báo quan trọng cho sự thành công về học vấn và nghề nghiệp của con 40 năm sau đó”, nhà tâm lý học Eric Dubow cho biết trên một nghiên cứu dài hơi năm 2009.
6. Họ dạy con kỹ năng tính toán từ rất sớm
Nghiên cứu trên 35.000 trẻ vào năm 2007 trên khắp Mỹ, Canada và Anh đã tìm thấy việc phát triển kỹ năng tính toán có thể mang lại lợi thế to lớn. Kỹ năng đó bao gồm việc biết các con số, thứ tự số, các khái niệm về toán.
“Kỹ năng toán học từ sớm không chỉ dự báo về kết quả học toán về sau, mà còn dự báo tương lai thành đạt của trẻ”, nhà nghiên cứu Greg Duncan cho biết.
7. Họ xây dựng mối quan hệ tốt với các con
Nghiên cứu năm 2014 trên 243 người sinh ra trong nghèo khó đã tìm thấy những trẻ nhận được “sự chăm sóc tận tình” trong 3 năm đầu đời không chỉ làm các bài thi học thuật tốt hơn về sau, mà cũng có các mối quan hệ lành mạnh hơn và đạt kết quả học thuật tốt hơn trong độ tuổi 30.
“Điều đó cho thấy đầu tư trong mối quan hệ với con cái từ thủa ban đầu có thể mang lại kết quả tích lũy lâu dài cho mỗi cá nhân”, đồng tác giả nghiên cứu – nhà tâm lý Lee Raby cho biết.
8. Họ ít khi bị stress
Theo một nghiên cứu gần đây được dẫn ra trên Washington Post, số giờ các bà mẹ chơi với con độ tuổi 3-11 ít có ảnh hưởng đến hành vi hay sự thành đạt của trẻ. Ngược lại, kiểu làm cha mẹ áp đặt còn gây hại hơn nữa.
Tuy nhiên, mức độ stress của mẹ, đặc biệt khi mẹ căng thẳng về công việc, và cố gắng tìm thời gian chơi với con, thực sự có thể ảnh hưởng đến sự nghèo đói của trẻ về sau, đồng tác giả nghiên cứu, nhà xã hội học Kei Nomaguchi nhận định.
9. Họ đánh giá cao sự nỗ lực hơn là tìm cách tránh né thất bại
Những bậc cha mẹ này không có gắng tránh né thất bại bằng mọi giá, không coi thất bại là bằng chứng của sự kém thông minh, mà là một bài học để tiến lên và mở rộng các kỹ năng.
10. Mẹ đi làm
Theo nghiên cứu của Trường kinh doanh Harvard, việc mẹ đi làm ở bên ngoài nhà mang lại lợi ích đáng kể cho những đứa con. Cụ thể, con gái của các bà mẹ đi làm thường đến trường lâu hơn, có công việc với vai trò làm quản lý, và kiếm nhiều tiền hơn (khoảng 23%) so với các bạn đồng lứa có mẹ ở nhà hoàn toàn.
Con trai của các bà mẹ đi làm cũng có xu hướng làm việc nhà nhiều hơn. Nói cách khác, việc mẹ đi làm nêu một gương tốt cho các con noi theo, trong nhiều lĩnh vực.
11. Họ có địa vị kinh tế xã hội cao hơn
Dan Pink – tác giả của “Drive” – ghi nhận các bố mẹ có thu nhập cao hơn, thì điểm số của con cũng cao hơn.
Thuận An (theo Independent)
hạt chống ẩm , hạt hút ẩm , gói chống ẩm , gói hút ẩm