ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Khi “thầy” biến thành “thợ”

Mấy năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thể hiện qua các “bài giảng điện tử” (BGĐT) diễn ra khá phổ biến trong các trường học. Đây một bước tiến trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy vậy, việc lạm dụng BGĐT có thể gây ra nhiều phức tạp.

Lợi nhiều

Cô Nguyễn Hồng Thúy – giáo viên cấp 2 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhận xét, khi dự giờ một tiết học Lịch sử của học sinh lớp 7, cô đã thấy được sự hào hứng, phấn chấn của các em học sinh đối với BGĐT. Toàn bộ kiến thức của bài giảng tưởng chừng như khô cứng lại được thể hiện qua những hình ảnh sống động và hấp dẫn. Chỉ với 2/3 thời gian, giáo viên đã có thể kết thúc bài giảng để học sinh được tự do thảo luận nhóm về kiến thức xung quanh nội dung vừa học. Có thể nói, do kiến thức được cập nhật bằng hình ảnh sinh động nên áp lực của tiết học đã giảm xuống đáng kể, giúp học sinh có thể hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.

Cũng theo cô Thúy, BGĐT còn giúp thầy cô tiết kiệm được thời gian lên lớp đồng thời rất dễ khắc phục, sửa chữa kịp thời những sai sót về kiến thức, cách trình bày, diễn đạt…

Khi “thầy” biến thành “thợ”
Những bài giảng điện tử thu hút được sự chú ý của nhiều học sinh, song giáo viên không nên lạm dụng. (Ảnh minh họa)

Nhờ có BGĐT, các môn học được coi là “khó nhằn” như Lịch sử, Địa lý, Văn học… đã thu hút được nhiều học sinh hơn. Đây là phương tiện trực quan có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc truyền tải đến học sinh những vấn đề khó hình dung nếu chỉ thông qua lý thuyết đơn thuần. Nhờ những hình ảnh cụ thể và sinh động, học sinh có thể dễ dàng nắm bắt được bài giảng ngay trên lớp. Em Lê Hoàng Vinh – học sinh lớp 8 ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi khi đến tiết học Lịch sử, hầu hết các bạn trong lớp đều tìm cách xin nghỉ, lấy môn khác ra học hoặc trả bài qua loa, hời hợt cho xong chuyện.

Tuy vậy, từ khi môn này được cải tiến phương pháp giảng dạy, các tiết học sôi nổi hơn hẳn. “Xen giữa lời giảng là những hình ảnh, những thông tin liên quan, thậm chí cả những tin tức mới nhất được trình bày rất sinh động khiến bọn em “tỉnh cả ngủ”. Cách học này làm cho chúng em rất hứng thú vì hệ thống kiến thức được cập nhật bằng hình ảnh và trò chơi đố vui, thảo luận nhóm… Tiết học trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều khiến em và các bạn không còn thấy “sợ” môn học này nữa” – Hoàng Vinh chia sẻ.

Hại cũng không ít

Đáng buồn là có không ít giáo viên đã lạm dụng BGĐT trong quá trình giảng dạy hầu như không giao lưu với học sinh mà chỉ ngồi một chỗ, mắt nhìn màn hình vi tính. Về lâu dài, họ đã làm mất đi sự gần gũi, thân tình giữa thầy và trò. Bên cạnh đó, việc sử dụng BGĐT quá thường xuyên làm cho một số giáo viên không chịu rèn luyện trí nhớ nên dần dần bị lệ thuộc vào bộ nhớ của máy vi tính, dẫn đến tình trạng ngôn từ, kiến thức bị bào mòn, mai một dần. Từ vị trí người thầy, họ đã tự biến mình thành “thợ” vì công việc chủ yếu của họ giờ chỉ là nhấn bàn phím. Ngoài ra, hiện nay, do không được đào tạo bài bản nên không ít giáo viên khi trình bày bài giảng quá lạm dụng màu sắc, trang trí nền và sử dụng các hình ảnh không liên quan đến nội dung của bài học. Điều này đã gây…tác dụng ngược bởi nó khiến học sinh không tập trung vào bài giảng do bị choáng bởi những hình ảnh, âm thanh chằng chịt, phức tạp.

Thầy Nguyễn Quang Thành – một giáo viên dạy Văn THPT cho biết, khi giảng dạy môn Văn, thông qua BGĐT, nhiều người đã sử dụng những hình ảnh (tranh, hình vẽ…) để minh họa cho những ý thơ hay hình tượng nhân vật. Tuy vậy, do không có kinh nghiệm và thiếu thời gian chuẩn bị nên họ đã sử dụng hình ảnh một cách cứng nhắc và bừa bãi làm cho học sinh càng bị phân tâm, rối trí. Bên cạnh đó, do quá tin tưởng vào BGĐT nên nhiều giáo viên đã quên đi tính đặc thù trong giảng dạy văn chương, rằng văn học là nghệ thuật của ngôn từ, tư duy trong văn học là tư duy trừu tượng. Do đó, để truyền đạt đến học trò cái hay, cái đẹp của tác phẩm, người thầy phải sử dụng giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, cảm xúc của mình để phân tích, mô tả. Điều này không có bất kì một phương tiện kĩ thuật nào có thể thay thế được. Chưa kể đến việc, trong trường hợp xảy ra sự cố kĩ thuật như máy chiếu bị trục trặc, bị mất điện, người dạy sẽ bị động khiến cho tiết học Văn mất hứng thú.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng, PGS Văn Như Cương cho rằng, không thể phủ nhận tác dụng của các BGĐT trong quá trình dạy và học. Ví dụ khi dạy bài “Sông Lô”, do không thể đưa học sinh đến tận nơi để xem thực tế con sông này dài rộng thế nào, giáo viên có thể dùng hình ảnh để các em dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy vậy, máy móc không bao giờ có thể thay thế được lời giảng của giáo viên mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Điều đáng nói là hiện nay, không ít giáo viên đã sử dụng BGĐT theo kiểu thay bằng cách đọc cho học sinh ghi từ bài soạn viết tay của mình, họ lại chiếu lên màn hình cho học sinh chép. Về phương pháp, hai cách làm này không khác nhau. Bởi vậy mà nhiều em học sinh, sinh viên đã không ngần ngại nói thẳng ra rằng nhờ có giáo dục điện tử mà họ được nghỉ học thoải mái. Đến cuối kỳ học chỉ cần USB copy lại bài giảng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ở một số trường học, học sinh bắt đầu chán nản với những tiết dạy bằng máy chiếu.

Để những BGĐT ngày càng có sức hút đối với học sinh, giáo viên cần phải nhận thức rằng đây chỉ là phương tiện để tác động tích cực đến người học, song nếu không khéo thiết kế bài giảng sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Bản thân mỗi thầy cô phải căn cứ vào đặc thù của từng môn học để đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý, sử dụng đúng môn học, đúng liều lượng, kết hợp linh hoạt giữa hình ảnh và khả năng thuyết trình. Và điều quan trọng nhất là dù giảng dạy với cách thức nào thì người thầy luôn là trung tâm và phải thổi hồn vào trong mỗi bài giảng.

 

Theo Huệ Linh – An Ninh Thủ Đô

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 124883Tổng lượt truy cập:
  • 46Truy cập hôm nay:
  • 72Truy cập hôm qua:
  • 0Hiện đang truy cập: