ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Hết lớp 9: Chọn trung cấp để sớm có nghề ổn định hay học THPT?

Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tăng mạnh trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường THPT có hạn. Bên cạnh đó, số lượng học sinh lớp 12 không thi đại học tăng. Vậy tại sao học sinh không lựa sức, chọn học trung cấp để có việc làm, sau đó học tiếp lên cao đẳng, đại học?

“Cú “bẻ lái” sang hệ trung cấp ngay sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 là một lựa chọn không tồi. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Trong khi đó, cơ hội học lên cao đẳng và đại học vẫn còn nhiều” – ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chia sẻ quan điểm về vấn đề phân luồng hướng nghiệp, chọn ngành nghề và định hướng việc làm của nhiều bạn trẻ hiện nay.

Thưa Thứ trưởng, nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng trước thực tế chỉ tiêu tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) thấp hơn nhiều so với số lượng học sinh tốt nghiệp sắp tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Thực tế này theo ông nói lên điều gì?

Ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

 Cách nghĩ của rất nhiều phụ huynh và học sinh là tiếp tục theo học THPT sau khi tốt nghiệp THCS. Sau đó các em mới học tiếp lên trung cấp, cao đẳng hay đại học hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên không hẳn học sinh nào cũng có thể thực hiện được mong muốn lên học cấp THPT vì điều kiện hạn chế về học lực, khả năng kinh tế của gia đình, những tác động khách quan của xã hội …

Trong khi đó, thực tế tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, con đường đi lên các cấp học cao không còn “thênh thang” và luôn gia tăng tính cạnh tranh.

Vậy tại sao các bậc phụ huynh và học sinh không nhìn thẳng vào năng lực thực tế của con em mình, điều kiện kinh tế gia đình và xu thế của thị trường lao động?

Tôi cho rằng, bên cạnh lựa chọn phát triển theo con đường THPT, nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS rất có thể phù hợp với lựa chọn học hệ trung cấp và cao đẳng. Điều này dựa vào sự đánh giá trung thực về năng lực cá nhân và định hướng nghề nghiệp.

Thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.

Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

Vậy, Thứ trưởng có thể phân tích rõ hơn về lộ trình học tập của đa số học sinh tốt nghiệp THCS?

– Sau khi học xong hệ THCS, học sinh có 2 lựa chọn cơ bản, như: Lựa chọn thứ nhất là học THPT hoặc học bổ túc văn hóa; lựa chọn thứ 2 là chuyển sang học trung cấp.

Với quyết định đi theo lựa chọn thứ nhất, các em sẽ tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa. Các em sẽ quyết định tiếp tục học trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc đi làm (thường với các vị trí công việc yêu cầu trình độ phổ thông hoặc công việc tự do…).

Lựa chọn này rất phù hợp các em học sinh có học lực tốt, gia đình có điều kiện hỗ trợ lâu dài.

Với việc đi theo lựa chọn thứ 2, các em sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn so với thông lệ trước kia. Ưu điểm của lựa chọn này là các em sẽ có việc làm và thu nhập ổn định sớm hơn bạn bè trang lứa.

Trong khi đó, nguyện vọng có được tấm bằng đại học vẫn được thực hiện nếu các em chịu khó học thêm 1 số năm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Thưa Thứ trưởng, con đường để có việc làm và bằng cấp như vậy. Nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh và học sinh vẫn quan niệm việc học trung cấp chỉ dành cho học sinh không đỗ PTTH?

– Đây là suy nghĩ chưa đúng. Tại các nước phát triển như Đức, Nhật hoặc Úc, việc cho con em theo học nghề sớm được nhiều gia đình nghiêm túc nhìn nhận và ưu tiên. Đó cũng là con đường để hình thành nên nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước.

Đơn cử như tại Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để có kỹ sư thực hành rất thành công. Hiệp hội 51 trường cao đẳng công nghệ Kosen là địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình và doanh nghiệp. Các em học ra trường 100% có việc làm với thu nhập cao.

Tại nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Chủ trương này được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.

Quá trình học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Học nghề để trở thành kỹ thuật viên, lao động có tay nghề, có thu nhập tốt và ổn định. Người theo học nghề thường có việc làm ngay khi tốt nghiệp và được phép học tiếp lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.

Xã hội chúng ta đang lãng phí rất lớn khi có hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp. Thay vào đó, các em chấp nhận làm những công việc lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp.

Nếu các em này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm nhiều người lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.

 Thanh Hoa – Dantri.com

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 124823Tổng lượt truy cập:
  • 58Truy cập hôm nay:
  • 79Truy cập hôm qua:
  • 0Hiện đang truy cập: