ĐCSVN) – Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói chuyện với các em |
Thành ủy Hà Nội đánh giá, trong những năm qua, quy mô và mạng lưới trường lớp của thành phố phát triển nhanh với 2.512 cơ sở giáo dục, 110.441 cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học và gần 1,6 triệu học sinh. Hệ thống cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng với đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ, số lượng học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế ngày càng tăng; công tác quản lý giáo dục có những chuyển biến tích cực và hiệu quả; đầu tư cho giáo dục được quan tâm, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh… Tuy nhiên, quỹ đất dành cho giáo dục ở một số quận, huyện, khu đô thị còn thiếu; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các trường, các địa phương; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn chậm; vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân…
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, theo chương trình hành động, Hà Nội sẽ phát huy tối đa các nguồn lực để Thủ đô thực sự là trung tâm lớn hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; từng bước tiếp cận trình độ giáo dục – đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô, đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân. Thực hiện xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Đề cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; trách nhiệm và năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; sự chủ động tham mưu, đề xuất của ngành giáo dục đào tạo Thủ đô, bảo đảm đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương.
Thành ủy Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết 29, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức học tập, nghiên cứu quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Thành ủy Hà Nội cũng đề ra nhiệm vụ đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo, coi trọng quản lý chất lượng.