ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Quan trọng là dạy học sinh cách làm người

Tại cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia đều cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn… đối với giáo dục phổ thông.

 

Chú trọng dạy làm người

Ðổi mới từ đâu, đổi mới như thế nào? Ðó là một trong những trăn trở của cán bộ quản lý các trường phổ thông, trường ngoài công lập (NCL) có chuẩn đầu vào thấp. Phần lớn các ý kiến cho rằng, phải đổi mới toàn diện, đổi mới từ việc dạy học sinh làm người trước khi dạy chữ.

Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang cho rằng, nói đến đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đụng đến toàn bộ các vấn đề cốt lõi của giáo dục. Hiện nay, nội dung chương trình học, sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, vừa thừa vừa thiếu, áp đặt và ít quan tâm đến nhu cầu hiểu biết của học sinh. Liệu có cần thiết không khi bắt học sinh lớp 7 học 10 tiết về thơ Ðường? Chưa kể các môn học khác như: thể dục, quốc phòng an ninh, học nghề… Mặc dù, nhiều học sinh rất ham mê thể thao, nhưng đến giờ học thể dục lại sợ học. Môn quốc phòng an ninh là môn học cực kỳ quan trọng, nhưng cách học hiện nay mới chỉ mang tính hình thức. Phải đổi mới cách dạy, nội dung chương trình thế nào để học sinh không khiếp sợ những môn học này.

Ðồng quan điểm đổi mới giáo dục là đổi mới toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng đến dạy người. Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm Nguyễn Thị Hiền cho rằng, lâu nay, chúng ta nặng dạy chữ, nhẹ dạy người. Nếu chúng ta dạy người thật tốt thì công dân đó sẽ có ý thức tự học suốt đời, sẽ trở thành những công dân có ích.

Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: Yến Anh)
Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: Yến Anh)

Xoay quanh vấn đề này, đại diện Trường THPT Bình Minh, một trường khó khăn của huyện ngoại thành Hoài Ðức cũng cho biết, nhà trường đón nhận tất cả học sinh, kể cả học sinh có lực học yếu, kém. Nhưng tiêu chí trường đặt ra là 100% số học sinh sau khi vào trường đều tiến bộ. Khẩu hiệu mà trường đưa ra: Dạy cách sống, dạy cách học và dạy cách làm.

Chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên

Ðể quyết định được chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên là một trong những yếu tố quyết định, trong đó giáo viên phải được đào tạo bài bản ngay từ các trường sư phạm, ngoài ra cần quan tâm đến chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Văn Hòa cho biết, trường có 2.400 học sinh, 196 giáo viên. 45% số giáo viên hơn 40 tuổi. Tỷ lệ giáo viên trẻ dưới 30 tuổi chiếm 25%. Lực lượng giáo viên trẻ sẽ là lực lượng nòng cốt cho công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn những nhược điểm, đó là giáo viên từ 40 tuổi trở lên chủ yếu làm việc theo bản năng, sức ỳ lớn, họ thường quan tâm đến việc dạy theo sách giáo khoa. Trong khi đó, sinh viên ra trường yếu kiến thức, kỹ năng,… Nói chung việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện nay là một trong những khó khăn chính khi thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục.

Tại buổi tọa đàm, phần lớn các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đều nhận định, giáo viên là yếu tố quan trọng, do vậy, không chỉ quan tâm lương cho giáo viên, mà còn phải để giáo viên được làm việc trong môi trường đủ điều kiện, được phát huy năng lực, sở trường. Về vấn đề này, thầy Hiệu trưởng Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: Học sinh có thể còn yếu, nhưng thầy nhất định phải giỏi. Không chỉ cần bằng cấp, mà tay nghề nhà giáo cũng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới. Muốn vậy, cần phải có những chính sách đồng bộ từ đánh giá, đến tiền lương cho giáo viên.

Chung quanh vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) nêu rõ, bảo đảm công bằng giáo dục liên thông để tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời. “Mục tiêu giáo dục là làm cho con người phát triển toàn diện, phát huy cao nhất khả năng của mỗi người. Hiện nay, các trường ngoài công lập có cơ chế quản lý linh hoạt hơn các trường công lập, cho nên có nhiều ưu thế trong quá trình triển khai đổi mới giáo dục. Bộ đã trao quyền tự chủ cho cơ sở, các trường ngoài công lập cần tận dụng tối đa ưu thế này để sáng tạo, linh hoạt trong việc đổi mới hình thức, nội dung giáo dục phù hợp với yêu cầu mới”. Thứ trưởng đề nghị các trường ngoài công lập nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, giám sát và tận dụng trí tuệ của các thành viên trong nhà trường, để thúc đẩy nhà trường phát triển theo mục tiêu chung, tránh tình trạng đi chệch hướng, đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn mục tiêu giáo dục…

Theo Trung Đức
Báo Nhân dân

 

Báo Dân trí điện tử

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 126916Tổng lượt truy cập:
  • 79Truy cập hôm nay:
  • 97Truy cập hôm qua:
  • 0Hiện đang truy cập: