ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Định hướng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam

Thực hiện Chỉ thị của Thành ủy; kế hoạch của HĐND, UBND thành phố Hà Nội về việc lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong tháng 3/2013, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo toàn ngành, tập trung trí tuệ, nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt đi sâu những điều về GD&ĐT nhằm định hướng, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng

Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 3407/KH-SGD&ĐT ngày 26/02/2013 về việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành GD&ĐT Hà Nội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, toàn thể các cán bộ, công chức cơ quan Sở, các trường học và các cơ sở giáo dục, tổ chức từ đơn vị trường, sau đó tổ chức theo Cụm trường, các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xãlấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Với sự đóng góp nghiêm túc, ý thức xây dựng, dân chủ, toàn Ngành cơ bản nhất trí với Dự thảo Hiến pháp 1992 với 11 chương và 124 điều. Nhất trí với bố cục và kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của Dự thảo Hiến pháp.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tập trung đánh giá những ưu điểm của Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, trên những điểm nổi bật:

– Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các điều, khoản quy định trong Hiến pháp năm 1992 đó là: phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, do nhân dân, vì nhân dân; thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng.

– Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Đồng thời tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn bản chất, vị trí, vai trò trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

– Thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tổ chức tinh gọn và hợp lí; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ.

– Xác lập cơ chế bảo đảm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

– Đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

– Thể hiện rõ tính nhân văn, hiện đại, tiếp thu, kế thừa thành tựu các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế tiến bộ của nhân loại.

– Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992.

– Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 cũng bộc lộ những hạn chế: Một số điều, khoản nội dung quy định còn trùng lặp; một số điều về chuyên ngành, một số lĩnh vực còn chưa mang hết tính dự báo lâu dài.

Với nội dung liên quan GD&ĐT, toàn Ngành đề xuất, bổ sung các điều 65, 66 trong Dự thảo Hiến pháp như sau:

Điều 65 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 37)

Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đã đồng ý gộp cả hai lĩnh vực vào một điều: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Hiến pháp 1992 được viết cho lĩnh vực GD&ĐT riêng một điều và KHCN riêng một điều, nội dung đều là “quốc sách hàng đầu”. Nay Dự thảo gộp lại vào chung một điều, nội hàm không thay đổi nhưng sẽ gọn hơn.

Nhà nước và xã hội tạo mọi điều kiện để công dân được học tập và phát triển tài năng

Điều 66: Về nội dung cơ bản nhất trí. Đề nghị sửa đổi và bổ sung thêm:
Khoản 1 Điều 66:

Đề nghị thống nhất dùng thuật ngữ “Giáo dục và đào tạo”như Điều 65. Thay đổi cụm từ “có nghề nghiệp” bằng cụm từ “ có kỹ năng nghề nghiệp”. Cụ thể: Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

*Khoản 2 Điều 66:Đề nghị sửa đổi, bổ sung , làm rõ nội dung Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, và thêm nội dung về thực hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo. Cụ thể như sau: Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng; quy định phổ cập giáo dục; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển; thực hiện chính sách học bổng học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác. Thực hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo.

Nhà nước quản lý hệ thống giáo dục quốc dân là đương nhiên, nhưng quản lý vấn đề gì? Đó chính là: mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng; quy định phổ cập giáo dục.

Hiến pháp cần quy định rõ các vấn đề Nhà nước quản lý giúp sau này luật chuyên ngành dễ cụ thể hóa để thực hiện, đưa Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống.

*Khoản 3 Điều 66. Bổ sung cụm từ: “cho mọi công dân”, “ưu tiên hỗ trợ tìm việc làm sau khi học”. Cụ thể như sau: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho mọi công dân được học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa, học nghề phù hợp và ưu tiên hỗ trợ tìm việc làm sau khi học.

Hiến pháp quy định Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học nghề là cần thiết. Song, vấn đề hỗ trợ, tìm việc làm sau khi học là vấn đề quan trọng hơn để họ tự kiếm sống, tự khẳng định mình trước xã hội. Điều đó còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước, tính nhân đạo, ưu việt của chế độ xã hội tốt đẹp của nước ta.

 

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 40 (tháng 4/2013)

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 124883Tổng lượt truy cập:
  • 46Truy cập hôm nay:
  • 72Truy cập hôm qua:
  • 0Hiện đang truy cập: