ESTIH
— Trường Trung Cấp Kỹ Thuật Tin Học Hà Nội

Tel: (04) 3835 7388
FAX: (04) 3835 8290
Cơ sở 1: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ 75 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công tác phân luồng học sinh gặp nhiều khó khăn

(Dân trí) – Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH, CĐ. Tỷ lệ học sinh sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp còn rất thấp, chỉ khoảng 5 – 6%, còn rất xa so với chỉ tiêu 30% đã đặt ra.

 

      Đây là những thông tin được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ tại hội thảo phân luồng học sinh sau THCS và THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 20/12.

      Cũng theo Thứ trưởng Ga, với việc mục tiêu phân luồng học sinh chưa đạt được đã gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ. Trong khi đó các trường TCCN, trường nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn. Điều đáng phải suy nghĩ là hiện nay những nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp lại rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề, TCCN.
Học sinh các trường THPT trải nghiệm nghề may ở Công ty CP May Nhà Bè (TP HCM).
Với việc mục tiêu phân luồng học sinh chưa đạt được đã gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ. Trong ảnh: Học sinh các trường THPT trải nghiệm nghề may ở Công ty CP May Nhà Bè, TP HCM. (Ảnh: Báo Người Lao Động)

      Theo thống kê từ các địa phương gửi về Bộ GD-ĐT, trong 2 năm học 2010 – 2011, 2011 – 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm trên 70%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS tham gia bổ túc THPT chiếm khoảng trên 8%. Chỉ có 1,8% tốt nghiệp THCS vào học TCCN (năm 2010 – 2011) và 2% (năm 2011 – 2012). Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm, vào khoảng 350.000 học sinh. Như vậy nếu định hướng được những đối tượng này vào học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.

      Bộ GD-ĐT cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mục tiêu về phân luồng chưa được đạt như mong muốn. Cụ thể, nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều gia đình và học sinh không lượng sức học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Bên cạnh đó, sự nghèo nàn trong hệ thống thông tin thị trường lao động; thiếu việc làm trên thị trường lao động và điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Việc các doanh nghiệp đòi hỏi người dự tuyển phải tốt nghiệp THPT cũng là trở ngại cho công tác phân luồng.

      Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn yếu; quy mô, điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu; khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên ĐH, CĐ… Cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học cũng ảnh hưởng đến phân luồng với sự mở rộng quá nhanh các trường THPT… Gần đây nhiều trường CĐ mới thành lập từ các trường TCCN và việc tuyển sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ TCCN giảm do còn phải đào tạo các hệ tuyển khác. Trong khi đó, các trường CĐ cộng đồng mới thành lập chưa đủ mạnh để nhân rộng mô hình có nhiều điểm ưu việt, vừa dạy chữ, vừa dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ và thực hiện rất tốt phân luồng.

      “Việc phân luồng hiện nay là thách thức rất lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cân đối nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế khác nhau. Việc thiếu chính sách khuyến khích đối với học sinh, các trường tuyển hệ tốt nghiệp THCS… cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác phân luồng” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Chỉ ngành giáo dục là chưa đủ

      Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, phân luồng học sinh sau THCS là một trong những nội dung quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chính sách thực hiện phân luồng.

      “Dù có chính sách gì chăng nữa, nhưng nếu không làm thay đổi được nhận thức của cha mẹ học sinh và người học, cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động thì rất khó để thành công. Do đó đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục và của toàn xã hội. Nếu chỉ riêng ngành giáo dục thì sẽ rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ này” – lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói.

      Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có định hướng của cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và chính quyền địa phương. Phân luồng học sinh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn hạn chế, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư phát triển dạy nghề và TCCN.

      Ngoài ra cần tái cơ cấu hệ thống giáo dục để tạo điều kiện phân luồng và học tập suốt đời của người dân theo hướng hình thành các trường trung học nghề, trung học kỹ thuật và mở rộng mô hình các trường CĐ cộng đồng từ các trường TCCN địa phương…

      Chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định:“Phân luồng là vấn đề lớn và rất khó. Thực hiện phân luồng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, không thể chỉ mình ngành giáo dục”.

      Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề nghị cần phải giải quyết bài toán tổng thể, vĩ mô. Cần phải làm rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng cấp ngành liên qua. Qua đó mới xác định được những vấn đề có thể làm được và không làm được để có thể định hướng, kiến nghị lên Chính phủ, với các Bộ, ngành…

      Được biết, sau hội thảo, Bộ GD-ĐT sẽ tập hợp lại các ý kiến, cân nhắc những việc ngành có thể làm được, từ đó tiếp tục tổ chức các hội thảo liên ngành.

S.H

 

Báo Dân trí

Hoạt động của nhà trường

 

Hình ảnh nhà trường

Thống kê truy cập
  • 126922Tổng lượt truy cập:
  • 85Truy cập hôm nay:
  • 97Truy cập hôm qua:
  • 0Hiện đang truy cập: