Đầu năm du xuân trẩy hội và đi lễ chùa đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân năm mới Đinh Dậu 2017 được sự quan tâm và tạo điều kiện của Chi bộ, Ban giám hiệu Nhà trường, ngày 18/2/2017 (tức ngày 22 tháng giêng) Công đoàn trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội đã tổ chức cho cán bộ nhân viên đi du xuân CHÙA TỨ KỲ (HÀ NỘI) – ĐỀN TRẦN (THÁI BÌNH) – CHÙA KEO (THÁI BÌNH – ĐỀN TRẦN (NAM ĐỊNH) – PHỦ DẦY (NAM ĐỊNH).
7h00 Đoàn xe bắt đầu chuyển bánh từ cơ sở 1, 73 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Chùa Tứ Kỳ:
Chùa Tứ Kỳ là một ngôi chùa có cảnh đẹp ở phía tây nam thành phố nằm trong hệ thống di tích của Thủ đô. Nơi đây còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng cổ Tứ Kỳ. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía Nam Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVIII – XIX. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1995.
Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Trải gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tôn tạo, Chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ độc đáo của ngôi chùa Việt, có từ thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII). Hằng năm. Chùa Keo là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, bao gồm hai cụm kiến trúc: Khu Chùa là nơi thờ phật và khu Đền thánh thờ đức Dương Không Lộ – Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa
Khu di tích Đền Trần Nam Định thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, tri ân công đức các vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp..
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc độc đáo giữa một vùng đồng bằng bát ngát, sông nước mênh mông. Dải núi đất bao bọc những con sông uốn lượn tạo nên một khung cảnh sơn thuỷ hữu tình. Các dãy núi này được dân gian hình dung như một con rồng khổng lồ mà đầu là núi Ngăm, các khúc mình rồng là núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và dưới nó là núi Thổ. Di tích Phủ Giầy tuy chưa phải là một công trình kiến trúc đẹp và có quy mô hoành tráng trong hệ thống kiến trúc tôn giáo Việt Nam. Nhưng nét văn hóa của triều đại nhà Nguyễn lại được in đậm trong công trình này.
Chuyến đi kết thúc vào lúc 18h00, hành trình du xuân đã diễn ra an toàn và đầy ý nghĩa. Chuyến đi đã tạo nên sự gắn bó, đoàn kết và không khí phấn khởi cho các công đoàn viên trong toàn Trường trước khi bước vào một năm lao động và công tác mới.
BCH Công đoàn trường xin chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các đoàn viên công đoàn. Nhân đây, BCH công đoàn xin chúc các đồng chí và gia đình một năm mới sức khỏe hạnh phúc, gặt hái được nhiều thành công.
Một vài hình ảnh trong ngày du xuân:
Chùa Keo (Thái Bình)
Phủ Dầy (Nam Định)
Đoàn nghỉ và ăn trưa tại nhà hàng SUNSHINE – Thái Bình