Sau khi về Bộ LĐ-TB&XH, phó thủ tướng giao đơn vị này phải làm cuộc cách mạng đối với lĩnh vực giáo dục, chứ không phải cải cách “lắt nhắt”.
Ngày 6-2, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đơn vị đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP trên cả nước về việc chuyển giao các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị trên bàn giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các trường do ngành giáo dục thực hiện quản lý nhà nước (trừ các trường/ngành sư phạm) và công chức, số liệu, hồ sơ, chương trình, dự án (nếu có) từ Sở GD&ĐT sang Sở LĐ-TB&XH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cuộc bàn giao sẽ không gây xáo trộn lớn.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, về đào tạo học sinh, sinh viên CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước tiếp tục học chương trình hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Học sinh, sinh viên CĐ nghề, trung cấp nghề tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước tiếp tục học chương trình hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
“Học sinh, sinh viên trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, CĐ nghề, trung cấp nghề tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước nếu có nguyện vọng liên thông được học liên thông theo quy định hiện hành. Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên CĐ, trung cấp tuyển sinh từ năm 2017 trở đi thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…” – Bộ LĐ-TB&XH thông tin.
Bộ LĐ-TB&XH cũng giao các đơn vị thực hiện xong việc bàn giao trong tháng 2-2017, nhằm bảo đảm kể từ ngày 1-3, Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm là cơ quan chuyên môn giúp UBND các tỉnh, TP trên cả nước quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Viết Long