Sáng 22/5, Uỷ viên Ban Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi cùng các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Thành ủy đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh; công tác giảng dạy lịch sử truyền thống của địa phương trong hệ thống các trường phổ thông; việc triển khai thực hiện chương trình hành động số 27-Ctr/TU của Thành ủy, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục.
Coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, những năm qua, ngành giáo dục Thủ đô đã nghiêm túc và tích cực tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và thành phố. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, triển khai tích cực và hiệu quả việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, lồng ghép với cuộc vận động “Hai không”, “Xây dựng nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch” và phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”… Đồng thời, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Đặc biệt, ngành giáo dục Thủ đô đã triển khai hiệu quả giảng dạy Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh. Bên cạnh đó là việc tích hợp giảng dạy các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân và tổ chức Hội thi GVDG cấp Thành phố đối với cấp THCS, THPT môn Giáo dục công dân.
Với học sinh, nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống yêu nước, niềm tự hào của dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được các trường đặc biệt quan tâm. Các nhà trường đã triển khai nhiều hình thức phong phú, nhiều loại hình đa dạng như sinh hoạt dưới cờ, tổ chức hội thi, hội trại, sinh hoạt chủ điểm gắn với các ngày truyền thống, các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Việc giáo dục pháp luật, đạo đức, nếp sống cho học sinh có nhiều sáng tạo. Cụ thể, ngành GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công an Thành phố ký Quy chế phối hợp về việc đảm bảo trật tự, an toàn trường học, từ đó triển khai nhiều hoạt động như giáo dục ATGT, an ninh mạng và các công tác an ninh, an toàn khác.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi đã đánh giá cao những việc làm cụ thể của ngành GD&ĐT Hà Nội trong thời gian qua và nhấn mạnh: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, bài bản với những biện pháp đồng bộ và đem lại hiệu quả thiết thực. Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy nâng cao hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn Thành phố. Với giáo viên và CBQL giáo dục dù chưa phải là đảng viên cũng cần nghiên cứu và hiểu rõ về Nghị quyết của Đảng, của Thành phố. Chúng ta tuyệt đối không để giáo viên dạy đạo đức lồng bức xúc cá nhân, nói sai đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho học sinh, đồng thời xem xét, xử lý nghiêm các giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục.
Bồi dưỡng giáo viên, đổi mới giáo dục
Nói về việc triển khai thực hiện chương trình hành động số 27-Ctr/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Toàn ngành đã tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và chương trình hành động số 27 của Thành ủy. Hà Nội chọn khâu đột phá trong công tác đội mới giáo dục là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Yêu cầu với giáo viên của Hà Nội cao, chẳng hạn như giáo viên ngoại ngữ tại các trường THPT tối thiểu phải có bằng C1, cấp THCS phải có B2, cấp Tiểu học phải có B1”. Để công tác đào tạo giáo viên đạt hiệu quả, Giám đốc Sở cũng đề xuất Thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Cần có chính sách riêng với trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, một cơ sở đào tạo lại giáo viên của Hà Nội. Ngoài ra, trường bồi dưỡng chính trị của các quận huyện thị xã tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được thụ hưởng kinh phí bồi dưỡng, tham gia học tập.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy tặng sách và tài liệu cho Sở GD&ĐT Hà Nội
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang lợi cho rằng, ngành giáo dục Hà Nội đã tiến hành một số công việc bước đầu đạt kết quả tốt. Về chương trình 27 của Thành ủy, ngành giáo dục cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết, mang tính khả thi.
Tăng cường giáo dục lịch sử, vun đắp tình yêu nước
Một trong những nội dung được Ban Tuyên giáo Thành ủy hết sức quan tâm trong buổi làm việc là công tác giáo dục lịch sử địa phương. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi đã yêu cầu ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đưa nội dung giáo dục lịch sử và truyền thống địa phương vào hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố. Coi đây là việc cần thiết để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, giáo viên, học sinh, nhất là trong tình hình hiện nay khi cuộc đấu tranh bảo vệ giá trị tốt đẹp của dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong công tác giáo dục lịch sử địa phương, cần thống nhất về nội dung, lượng kiến thức, có quy định cụ thể về thời gian giảng dạy lịch sự truyền thống địa phương, trong đó chú ý phân bổ thời gian phù hợp giữa thời gian học chính khóa và ngoại khóa. Giáo dục lịch sử dân tộc, thành phố, của địa phương vừa nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc nhưng không theo hướng tăng áp lực, gây quá tải việc học Lịch sử. Nội dung giảng dạy lịch sử địa phương phải hợp với lứa tuổi và tâm lý của học sinh.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh: Thời điểm này, khi Trung Quốc có những hành động ngang ngược vi phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, ngành giáo dục Thủ đô cần tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh. Đặc biệt, cần thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên hiểu rõ thực chất tình hình hiện nay và đường lối đối ngoại của Đảng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền nhưng phải giữ được môi trường hòa bình. Học sinh, giáo viên cần tiếp tục tham gia giữ an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Tạp chí Giáo dục Thủ đô